Đến chiều 20.10,ếunướcsạchvàtráchnhiệmchạyvòxsmtrung hom nay sau 2 ngày kể từ khi có chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, nước sạch vẫn chỉ được cấp nhỏ giọt, người dân phải huy động toàn bộ xô chậu trong nhà để tích trữ nước. Thậm chí, cảnh thiếu nước sạch không chỉ xuất hiện ở khu đô thị Thanh Hà mà lan rộng ra khu vực phố Phùng Khoang (Q.Nam Từ Liêm) và nhiều khu dân cư ở Q.Hoàng Mai, H.Hoài Đức.
Tình trạng ngay thủ đô nhưng vẫn không đủ nước sạch sinh hoạt không phải xảy ra lần đầu mà trở thành "điệp khúc" tái diễn nhiều năm nay, đã họp nhiều, nói nhiều, gợi mở nhiều nhưng vẫn chưa thể giải quyết triệt để.
Tại cuộc họp với lãnh đạo UBND H.Thanh Oai về "cơn khát" nước sạch ở khu đô thị Thanh Hà, đại diện Công ty cổ phần Nước mặt sông Đuống cho biết hệ thống đường ống đã tới giới hạn nên không thể tăng thêm lưu lượng nước hỗ trợ cho khu đô thị. Trong khi đó, đại diện Công ty cổ phần Nước sạch Thanh Hà, đơn vị trực tiếp cung cấp nước cho khu đô thị, khẳng định hệ thống xử lý của công ty chỉ đủ khả năng cung cấp nguồn nước ngầm theo tiêu chuẩn do Bộ Y tế ban hành năm 2009, không thể đáp ứng tiêu chuẩn mới nhất được ban hành năm 2018.
Trong khi hàng ngàn cư dân xoay xở với nỗi khổ thiếu nước, trách nhiệm quản lý vẫn đang "chạy vòng". "Khát" nước sạch xảy ra mãi nhưng vẫn chưa có "địa chỉ trách nhiệm" nào để chấm dứt câu chuyện này.
Theo hợp đồng ký kết, công ty nước sạch có nghĩa vụ cung cấp nước đủ về số lượng và chất lượng cho khách hàng, khách hàng có nghĩa vụ thanh toán tiền đúng thời hạn. Nhưng trên thực tế, nếu khách hàng chậm nộp tiền sẽ bị cắt nước và chịu phí mở lại công tơ; còn nếu khách hàng bị mất nước đột ngột, thậm chí kéo dài nhiều ngày, công ty đều có lý do "chính đáng" và không chịu chế tài nào.
Chưa kể, trong đợt tăng giá nước hơn 10% vừa qua, không ít doanh nghiệp nước sạch cam kết người dân sẽ được cung cấp đầy đủ nước sinh hoạt, nước đạt đúng tiêu chuẩn, chất lượng. Song, đến nay sạch chưa thấy đâu, chỉ thấy cảnh người dân ngày đêm vật vã vì bị cắt nước.
Rõ ràng, "cán cân" quyền lợi đang nghiêng hẳn về phía cung cấp. Muốn không còn cảnh người dân trắng đêm hứng từng xô nước cần có những ràng buộc trách nhiệm cao hơn, để công ty nước sạch phải đảm bảo nghĩa vụ cung cấp nước cho khách hàng trong mọi hoàn cảnh.
Quan trọng hơn, chính quyền địa phương cần có các giải pháp tăng tốc xây dựng hệ thống đường dẫn, cơ sở hạ tầng cung cấp nước sạch; cùng với đó là những chính sách ưu đãi kịp thời để huy động tối đa nguồn lực xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực này. Chỉ khi "bản đồ" đường ống dẫn được phủ kín, nguồn nước sạch mới thực sự có thể đáp ứng nhu cầu của người dân.